Ngành công nghệ chế tạo máy là gì? Cơ hội làm việc khi ra trường

Ngành công nghệ chế tạo máy được đánh giá rất cao những năm gần đây. Nó được coi là một trong những ngành mũi nhọn bởi tính quyết định đối với trình độ kĩ thuật và công nghệ của một đất nước. Bạn muốn học tập chuyên sâu để có năng lực tạo ra những sản phẩm máy móc thiết bị phục vụ cuộc sống? Bạn đam mê khám phá và tìm hiểu về công nghệ, về chế tạo? Trước khi đọc bài viết này bạn đã từng tìm hiểu sâu về ngành công nghệ chế tạo máy hay thậm chí đã từng nghe qua về nó? Vậy hãy cùng chúng tôi tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc về ngành này trong bài viết dưới đây và tìm ra những thông tin bổ ích giúp định hướng rõ ràng hơn cho các bạn trong tương lai.

1. Ngành công nghệ chế tạo máy là gì?

Công nghệ chế tạo máy được gọi theo thuật ngữ chuyên ngành trong tiếng anh là Machinery Manufacturing Technology. Hiện nay, đây là một trong top những ngành quan trọng không thể thiếu với đời sống con người, đặc biệt là trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập toàn cầu. Ngành này càng trở nên thiết yếu gấp nhiều lần khi mà nền kinh tế và các ngành nghề hiện nay ngày một phụ thuộc nhiều hơn vào máy móc và khoa học công nghệ.

Là ngành ứng dụng toàn diện những nguyên lý chuyên sâu về vật lý nhằm tạo ra các thiết bị, máy móc hữu ích và hiện đại bắt kịp xu hướng toàn cầu, Công nghệ chế tạo máy đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất thực tiễn, nơi mà các cán bộ, kỹ sư vận hành toàn bộ quy trình chế tạo các sản phẩm cơ khí, cùng lúc đó tham gia vào quy trình tối ưu hoá quá trình sản xuất nhằm mục đích tạo ra tính hiệu quả về mặt kinh tế cao nhất có thể.

2. Sự khác nhau giữa công nghệ chế tạo máy và công nghệ kỹ thuật cơ khí?

Công nghệ chế tạo máy và công nghệ kỹ thuật cơ khí là hai ngành có liên quan mật thiết với nhau. Hầu như những kiến thức và kỹ năng của ngành công nghiệp chế tạo máy đều có thể sử dụng trong công việc của ngành kĩ thuật cơ khí. Vậy thì sự khác nhau cơ bản giữa hai ngành này là gì?

Ngành công nghệ chế tạo máy

Khi nhắc đến cơ khí ta nghĩ ngay đến những công đoạn ra công các vật liệu cơ khí và tạo ra những sản phẩm những thiết bị máy móc trong đời sống hằng ngày. Những sản phẩm đó thường được đặt tiêu chuẩn trên những góc độ của các chi tiết cố định và phải gia công trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau mới tạo ra được một sản phẩm hoàn thiện. Mỗi giai đoạn lại có những phương pháp gia công khác nhau. Khi đặt vào một dây chuyền sản xuất trong những nhà máy công xưởng lớn thì những kỹ sư cán bộ phải suy xét đến mặt tính kinh tế và tính hiệu quả. Những kỹ sư của ngành công nghiệp chế tạo máy cần nghiên cứu sao cho đảm bảo chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất cho những quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm. Điều này đòi hỏi những kỹ sư trong ngành công nghiệp chế tạo máy không chỉ có những kiến thức chuyên sâu về mặt cơ khí mà còn có những sự thấu hiểu tường tận về nhiều lĩnh vực khác nhau chính vì vậy mà chuyên ngành công nghệ chế tạo máy ra đời.

Xét về góc độ chuyên môn kĩ thuật sâu hơn thì nhanh công nghệ chế tạo máy hiện đại hơn ngành kĩ thuật cơ khí ở chỗ giải quyết được những vấn đề trong các sản phẩm cơ khí bởi những sản phẩm được tạo ra không chỉ là những khối cố định lắp ráp với nhau mà còn những liên hệ về mặt tiếp xúc, những chuyển động tương tác yêu cầu tư duy tổng thể về hệ thống cơ khí, lắp ghép, lực tác động trong quá trình chuyển động làm chi tiết có thể bị phá vỡ.

3. Chương trình đào tạo

Kiến thức chuyên môn của ngành công nghiệp chế tạo máy đa phần tương tự với kiến thức chuyên môn của ngành công nghiệp kĩ thuật cơ khí về những gia công cơ khí thiết kế chi tiết máy, chế tạo và lắp ráp, kiểm soát chất lượng sản phẩm cơ khí hay tổ chức quy trình sản xuất vận hành quy trình sản xuất phục vụ nền kinh tế quốc dân và cộng đồng.

Chương trình đào tạo của ngành này gồm những kỹ năng tổ chức thực hiện các quá trình gia công từ khâu chuẩn bị đến ra công chế tạo máy và chi tiết máy, hệ thống sản xuất và các loại sản phẩm, kỹ năng về vận hành, bảo quản, bảo dưỡng máy móc, thiết bị…. Với những học phần và tín chỉ cơ bản như: hình họa, vẽ kĩ thuật, nguyên lý chi tiết máy, thí nghiệm cơ học, sức bền vật liệu, vật liệu học, thí nghiệm vật liệu học, dung sai- kĩ thuật đo, thí nghiệm đo lường cơ khí, cơ kĩ thuật, đồ án nguyên lý chi tiết máy, anh văn chuyên ngành cơ khí

Và những tín chỉ cơ bản như những trường đại học, cao đẳng khác gồm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay đường lối đảng Cộng sản Việt Nam, xác suất thống kê,…..tương tự như ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí.

4. Cơ hội việc làm sau khi ra trường của ngành công nghệ chế tạo máy?

Đi cùng với xu hướng của xã hội ngành công nghiệp chế tạo máy đang nằm trong top những ngành thiếu nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng. Đây cũng là một trong những ngành được đánh giá mang lại thu nhập và tính ổn định cao nhất cho người làm việc.

Sau khi hoàn thành chương trình học của ngành công nghiệp chế tạo máy và tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để theo đuổi những ngành nghề và những vị trí công việc sau đây:

  • Lên bản vẽ thiết kế và chế tạo các loại máy móc thiết bị dùng cho các nhà máy, những dây chuyền sản xuất lớn như nhà máy sản xuất đồ hộp, nước đóng chai,…
  • Tham gia và những quá trình gia công các sản phẩm cơ khí giám sát quá trình sản xuất thiết bị cơ khí
  • Lắp đặt máy móc thiết bị cho các công xưởng công trình,…

Đi cùng với xu hướng và nhu cầu chung của thị trường công việc thì chúng ta có thể khẳng định những sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học, cao đẳng đào tạo về ngành công nghệ chế tạo máy thường không khó để tìm được một công việc với thu nhập ổn định, thậm chí là cao nếu như có tay nghề tốt.

5. Những tố chất cần có

Nhu cầu của xã hội đối với nhân lực trong ngành công nghiệp chế tạo máy là cao không có nghĩa là nguồn nhân lực kém chất lượng cũng sẽ được sử dụng. Để trở thành một kỹ sư công nghệ chế tạo máy thành công đòi hỏi người theo học theo làm cần có những tố chất sau đây:

  • Có niềm đam mê với máy móc và công nghệ máy: người ta thường nói đam mê là một loại năng lực, niềm đam mê với ngành nghề giúp cho bạn không bị chùn chân và bỏ dở giữa chừng hay giậm chân tại chỗ.
  • Có sức khỏe tốt và chịu được stress: Đây không chỉ là một tố chất cần có của người kỹ sư công nghệ chế tạo máy mà còn được yêu cầu bởi hầu hết tất cả mọi ngành bởi lẽ nó quyết định phần lớn sự thành công của bạn trên con đường theo đuổi một ngành nghề nào đó.
  • Ham học hỏi, tìm hiểu đồng thời có tư duy sáng tạo: Đây là một trong những tố chất quan trọng nhất đối với người theo ngành này bởi đây là một ngành yêu cầu vận dụng tư duy logic và khả năng sáng tạo cao chứ không chỉ là công việc lắp ráp những thiết bị máy móc dập khuôn lặp đi lặp lại.

6. Cơ sở đào tạo

Sinh viên có mong muốn xét tuyển vào ngành công nghiệp chế tạo máy có thể sử dụng đa dạng các tổ hợp khối thi như A00, B00, D07, A01, D01, C01 với nhiều mức điểm khác nhau tùy theo các trường đại học và các khu vực

Mã ngành chung 7510202.

Sau đây là danh sách một số trường đào tạo ngành công nghệ chế tạo máy chuyên sâu và chất lượng:

  • Đại học Thuỷ lợi
  • Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
  • Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định
  • Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long
  • Đại học Bách Khoa đại học Đà Nẵng
  • Đại học công nghệ Đông Á,….

Mong rằng những thông tin trong bài viết vừa rồi sẽ giúp cho các bạn sinh viên cũng như những học sinh đang chưa định hướng được rõ ràng cho con đường tương lai của bản thân, tìm hiểu rõ hơn về một số Ngành nghề phù hợp với chính mình hay hơn thế nữa là thực sự xem xét theo đuổi ngành công nghiệp chế tạo máy. Chúc các bạn thành công trong tương lai.